Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 24/6/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Đáng chú ý, tại Thông báo, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời.
Đẩy nhanh xây dựng hành lang pháp lý cho điện mặt trờiTheo Thông báo, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Việc xây dựng 02 Nghị định này có ý nghĩa quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, huy động được người dân và các doanh nghiệp tham gia.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 Nghị định trên, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp khi Nghị định được ban hành đi vào thực tiễn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi, tạo cơ chế xin-cho.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế đặc thù cho 5.000MW điện mặt trời áp mái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)Trong quá trình hoàn thiện 2 Nghị định trên, Bộ Công Thương cần bổ sung một số nội dung sau:
Đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn:
Thể chế hóa trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào Nghị định đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống điện khi thực hiện giao dịch mua-bán qua lưới điện Quốc gia giữa khách hàng và đơn vị sản xuất điện năng lượng tái tạo; theo dõi, cập nhật, công bố, công khai minh bạch số liệu cụ thể về khả năng truyền tải, hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của từng khu vực từ đó đề xuất điều chỉnh kịp thời Quy hoạch điện trên cơ sở dự báo cung cầu, khi khả năng về công nghệ cho phép chuyển đổi năng lượng xanh nhanh hơn, đáp ứng theo vùng phụ tải và hạ tầng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư được huy động tham gia thị trường điện, trên cơ sở theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống điện và phù hợp với xu thế cam kết của Việt Nam về việc phát thải CO2, nhu cầu và tiến bộ của khoa học công nghệ;
Xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện năng lượng tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối… và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm;
Nghiên cứu và tính toán để hệ thống điện đảm bảo việc hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu:
Về định nghĩa điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Cần làm rõ về khái niệm tự sản, tự tiêu theo hướng sản xuất ra cơ bản để dùng, đối với lượng điện dư thừa nếu có lắp đặt pin lưu trữ, tích điện, EVN sẽ nghiên cứu đề xuất mua điện với giá điện hợp lý, đặc biệt là giá mua điện vào giờ cao điểm, trường hợp không có pin lưu trữ điện thì EVN sẽ mua với giá thấp nhất trên thị trường điện mà EVN mua của các hộ bán điện khác.
Lượng điện dư thừa mà EVN mua lại, có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu, tính toán giá điện 2 thành phần: giá điện khi không có mặt trời, vào giờ cao điểm thì phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to, hay mức giá đối với trường hợp có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với trường hợp không có lưu trữ điện năng để bảo đảm công bằng cũng như khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, hệ thống điện thông minh.
Đồng thời, cần nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export tùy theo từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng phải đảm bảo nguyên tắc:
Phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hoà giữa các loại hình nguồn điện đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII;
Đưa ra các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn...
Các công trình điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)Trong Nghị định này cần thể hiện rõ cơ chế khuyến khích, cụ thể:
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục: Xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà; quy định rõ quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết của từng lĩnh vực có liên quan trên tinh thần một cửa liên thông (nghiên cứu giao cho các Tổng công ty Điện lực/Điện lực quận, huyện), minh bạch, công khai, cải cách thủ tục đơn giản và rút ngắn tối đa các hồ sơ, thủ tục, trong đó có các quy định về quy trình thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy… để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, các công trình xây dựng có sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời tránh các hành vi trục lợi, tiêu cực nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay: Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt… việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ làm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước phải đầu tư thêm nguồn điện mới, vì vậy, cần phải nghiên cứu thêm chính sách này thay vì nhà nước đầu tư cho nguồn điện mới, việc người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ được nhà nước hỗ trợ chi phí từ nguồn này để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài.
Về quy trình quản lý kỹ thuật: Chủ trì, phối hợp với EVN tổng hợp, thống kê, kiểm soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được phê duyệt; đánh giá việc các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện Quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời.
Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số: 205/TB-VPCP ngày 8/5/2024 và 232/TB-VPCP ngày 20/5/2024, 3854/VPCP-CN ngày 4/6/2024 và 165/TB-VPCP ngày 16/4/2024 để xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, Luật Giá, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 1/7/2024 và chịu trách nhiệm về nội dung Dự thảo Nghị định theo khoản 1 Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.